Nhạc Lo-fi là gì?

Nhạc Lo-fi là gì?

Bao giờ thì cô bé này mới học xong nhỉ?

Bức ảnh này có lẽ không xa lạ gì với người hay nghe nhạc trên Youtube. Đây là ảnh bìa của video live stream nhạc 24/7 Lo-fi Hip Hop phát trên kênh Lofi Girl, và cô gái này đã ngồi học ít nhất 13000 giờ liên tục trước khi bị Youtube “bắt” nghỉ giải lao một chút. Cùng với hàng chục nghìn bài hát đã được phát, đây là một trong những minh chứng lớn nhất về sự thịnh hành của thể loại nhạc Lo-fi Hip Hop – thứ âm nhạc được giới trẻ ưa chuộng với mục đích giải trí/ học hành/ tăng năng suất làm việc.

Quan niệm này phổ biến đến nỗi chỉ cần nhắc đến nhạc Lo-fi Hip Hop, tự nó đã đem lại cảm giác nhẹ nhõm, thoải mái chill cùng bạn bè hoặc một mình bên cốc cà phê và chiếc laptop. Cảm giác nhạc đem lại là rất rõ ràng, nhưng khó ai có thể định nghĩa chính xác Lo-fi Hip Hop là thể loại như thế nào, lấy cảm hứng từ đâu, thậm chí nó có được coi là một thể loại hay không? Nếu đang cùng thắc mắc này (một cách nghiêm túc), hãy bật ngay chiếc video set đĩa than dưới đây lên và đọc đến cuối bài viết nhé. Hi vọng Vọc sẽ giúp bạn hiểu hơn phần nào về thể loại nhạc mà bạn (phải) nghe mỗi ngày này.

Đầu tiên, cần phải làm rõ luôn hai điều. Một là muốn hiểu về Lo-fi Hip Hop thì phải biết về Lo-fi, hai là không có bất kì một định nghĩa nào chính xác tuyệt đối cho Lo-fi cả. Cho tới khi Youtube xuất hiện và đề xuất video Lo-fi cho bạn thì nhạc Lo-fi đã được hình thành từ rất lâu rồi. Nhạc Lo-fi không đơn giản chỉ là trend một sớm một chiều mà có cả một lịch sử phát triển chịu tác động của nhiều thể loại khác nhau. Chính vì mang âm hưởng của nhiều thể loại phức tạp nên việc truy ngược nguồn gốc của Lo-fi là điều không thể. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này Vọc sẽ đưa cho bạn vài góc nhìn về thể loại nhạc này. Bằng cách này, bạn có thể tự đưa ra định nghĩa của bản thân về nhạc Lo-fi, hay hẹp hơn là Lo-fi Hip Hop, để hiểu sự khác biệt trong thể loại, cảm xúc đem lại chứ không chỉ gói gọn trong “nhạc nền” hoặc “nhạc chill”.

Xét trên khía cạnh kĩ thuật, Lo-fi là viết tắt của ‘Low Fidelity’. ‘Fidelity’ trong âm nhạc có thể hiểu là độ chính xác mà âm thanh được phát ra so với bản gốc, vì thế Low ‘Fidelity’ nghĩa là âm thanh thiếu độ trung thực. Tưởng tượng nghe nhạc từ chiếc đĩa than năm 1950 so với nhạc từ Spotify trên điện thoại. Điện thọai của bạn sẽ cho âm thanh trung thực hơn (hoặc là bạn hy vọng thế). Âm thanh có độ chính xác cao được gọi là Hi-fi (High Fidelity). Vì thế, Lo-fi về mặt kĩ thuật ám chỉ những bài hát có chất lượng âm thanh thấp, có thể nghe thấy những tiếng thu nghiệp dư như méo tiếng, tiếng hiss, tiếng nhiễu,… Nhưng về mặt là một THỂ LOẠI nhạc, Lo-fi không cứ phải là nhạc chất lượng thấp. Nhạc Lo-fi Hip Hop có thể không chuyên nghiệp và mang hơi hướng underground, nhưng chất lượng của âm nhạc được tạo ra bởi sự chủ ý, chứ không phải vì thiếu thốn thiết bị.

Sự bắt nguồn của Lo-fi, nhìn theo góc độ các thành tố tạo nên, có thể truy ngược lại thể loại Shoegaze và Dreampop từ những năm 80s. Dreampop là một nhánh con phát triển từ Alternative Rock (Rock kết hợp với thể loại khác nói chung), với chất liệu là pop và sự mộng mơ, không rõ ràng. Vì phát triển trong thời kì 80s, hầu hết các bài hát đều có sự xuất hiện của synthesizer, và dreampop tận dụng triệt để chiếc máy này để tạo ra thứ âm thanh riêng biệt, khiến cho giọng hát bị khan vào giai điệu, nhưng vẫn tách biệt rõ ràng. Kể ra, dù thuộc thể loại rock nhưng Dreampop hướng đến Pop nhiều hơn. Một nghệ sĩ hiện đại theo trường phái này là Lana Del Rey.

Phát triển từ cội rễ Dreampop, thể loại Shoegaze ra đời. Sở dĩ có cái tên như vậy vì những nghệ sĩ thể loại này đều cặm cụi cúi đầu xuống giày khi chơi nhạc. Dù không được giới mộ điệu đánh giá cao, nhưng có thể nói chất lượng âm nhạc của Shoegaze tập trung hơn vào âm thanh hơn là ngoại hình của nghệ sĩ. Shoegaze có thể giải thích ngắn gọn là tiếng fuzz distortion (âm thanh bị bẻ cong). Nó đem lại cảm giác mờ ảo và bất cần. Phần giai điệu không biến chuyển nhanh, còn giọng hát thì gần như chìm vào tiếng nhạc cụ, tạo ra cảm giác một lớp mây dày đặc phủ kín âm thanh. Nghe đã hơi giống Lo-fi mà bạn biết rồi chứ?

Kể từ thập niên 90, xu hướng hòa trộn các dòng nhạc với nhau làm cho việc phân chia thể loại ngày càng rối rắm phức tạp hơn. Disco tan rã, nhạc điện tử lên ngôi tại các quán bar, club. Downtempo được sinh ra để giúp các “cơ trưởng” trong club tạm nghỉ sau những giờ nhảy nhót mệt lừ. Downtempo lại sản sinh ra Trip-hop tập trung vào beat và các tiếng động môi trường với nhịp độ chậm, và thường được mở khi cuộc chơi đêm nhường chỗ cho mặt trời. Giống như Dreampop, thể loại này kết hợp synthesizer, vibe mộng mơ và có yếu tố kết hợp, sample nhạc soul, funk và jazz. Một vài đặc tính khác của Trip-hop là kết hợp với psychedelic, giai điệu buồn, âm hưởng nhẹ nhàng – rất giống với thể loại Lo-fi Hip Hop hiện tại. Người nghe có thể vừa nghe vừa trò chuyện một cách bình thản, vừa chill-out trên nền nhạc ít kịch tính này.

Cho đến lúc này, các yếu tố tạo nên Lo-fi đã dần hình thành, chỉ còn thiếu một số yếu tố giúp tạo cảm giác Lo-fi như tiếng hiss, nhiễu,… Chillwave Vaporwave được phát hiện từ năm 2009 là mảnh ghép cuối cùng thêm những thành tố Lo-fi vào âm nhạc, bài hát có tính xoay vòng lặp lại hơn và vocal bị che phủ bởi nhiều lớp tiếng hơn. Có thể nói, Vaporwave chính là thể loại tiệm cận nhất của Lo-fi Hip Hop. Vaporwave không những mang theo giai điệu đặc trưng mà còn là một ý niệm về hình ảnh và cảm xúc. Trong khi hình ảnh của nó là những bức họa, palette màu đơn sắc và bảng chữ cái tiếng Nhật, thì tư tưởng của Vaporwave là đặt người nghe ở làn ranh giới của những thứ không rõ ràng giữa thực tại và mơ mộng, khơi dậy cảm giác yên bình và trầm tư.

Đương nhiên, những thể loại trên không trực tiếp liên quan đến nhau, chứ đừng nói là Lo-fi Hip Hop. Không có một con đường phát triển cụ thể nào giữa các thể loại, nhưng chúng đều mang trong mình những yếu tố có trong Lo-fi Hip Hop. Càng tìm hiểu về lịch sử của Lo-fi Hiphop, càng nhiều thể loại (mà có thể bạn chưa nghe bao giờ) xuất hện. Gần như là không thể định nghĩa chắc chắn nguồn gốc của một thể loại rộng như thế, nhưng người nghe hoàn toàn có thể khám phá nhưng thứ rõ ràng hơn như thành tố cơ bản trong bài hát và mối liên hệ giữa chúng.

Một “nguồn gốc” khác của Lo-fi là theo sự phát triển về chất lượng âm thanh. Bởi vì Lo-fi về bản chất là đo lường chất lượng của nhạc, nên nó có thể truy ngược về bối cảnh âm nhạc những năm 60s khi Garage Rock  và Punk Rock đang thành hình. Garage Rock là thể loại các ban nhạc đánh rock tập trung tại garage của một thành viên và chơi chơi nhạc. Các ban nhạc nổi tiếng  của thời kì này như The Bealtes, Rolling Stones hay Beach Boys đều có xuất phát điểm liên quan tới Garage Rock. The Beach Boys thậm chí còn gọi garage nơi họ thu âm là Beach Boys Studio, và album mà họ thu tại đó được coi như album Lo-fi đời đầu. Nằm tại nhà riêng của Brian Wilson, Beach Boys Studio là một studio dã chiến mà ban nhạc tận dụng vì nó không giới hạn thời gian như studio chuyên nghiệp.

Các album-nhà-làm với tinh thần tự mày mò kiểu này là trào lưu rất phổ biến của indie thời kì đó. Việc có thể thu âm tại nhà cũng đông nghĩa với việc nghệ sĩ không cần phải kí hợp đồng với các hãng lớn để được tiếp cận với phòng thu nữa. Đương nhiên, những sản phẩm được ra đời theo kiểu này không thể nào so bì chất lượng với những phòng thu âm xịn, nhưng sự thiếu thốn về thiết bị cũng như kinh nghiệm không phải và không nhất thiết là lí do sinh ra thể nhạc Lo-fi hiện giờ. Cần phân biệt rõ Lo-fi là thể loại hay chất lượng âm thanh, tức là âm nhạc chất lượng kém một cách cố tình hay vô tình. Các album thể loại Garage Rock ở trên cũng có thể là Lo-fi, nếu chỉ xét theo tiêu chí chất lượng âm thanh.

Ví dụ như album debut năm 1993 của Wu-Tang Clan, Enter The Wutang (36 Chambers) có chứa rất nhiều chất Lo-fi Hip Hop hiện tại. Phong cách làm nhạc của RZA nổi tiểu là sự bụi bặm, gai góc và đường phố. Rõ ràng được ghi âm với budget giới hạn khiến cho chất lượng âm thanh không rõ ràng, nhưng chính sự Lo-fi ấy mới phản chiếu sự bụi bặm, dã chiến và đúng với phong cách của nhóm. Cũng chính trong thời gian này, Wu-Tang Clan sử dụng một kĩ thuật cực kì phổ biến trong Hip Hop sau này gọi là sample, tức là lấy những đoạn âm thanh trong phim ảnh hoặc ca khúc có sẵn để đưa vào âm nhạc của mình. Dù không biết vô tình hay hữu ý, Wu-Tang Clan là một trong những người tiên phong truyền cảm hứng và dọn lối cho Lo-fi Hip Hop của hiện tại. Một mùa Giống như Hip Hop, Lo-fi Hip Hop cũng được xây dựng xung quanh việc sample và sử dụng lại những bài hát cũ để tạo ra các giai điệu mới.

Cho dù có được định nghĩa như thế nào đi chăng nữa, thì có một điều không thể chối cãi rằng Lo-fi Hip Hop  là một tâm trạng, một vibe. Cảm xúc và cảm giác được khơi dậy bởi một thể loại nhạc quan trọng hơn là thành tố cấu tạo nên nó. Trong khi giai điệu trầm lắng nhấn mạnh vào sự cô đơn, thì cảm xúc hoài cổ nhớ về quá khứ hiện lên rất rõ qua từng nốt nhạc.

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Giỏ hàng
Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng!
Tiếp tục mua hàng