Lost & Found Grooves: Cà phê và đĩa than hay là thú vui của việc tốn…thời gian

Lost & Found Grooves: Cà phê và đĩa than hay là thú vui của việc tốn…thời gian

Lost & Found Grooves là một series bài viết về góc nhìn âm nhạc mới lạ về những thể loại nhạc xưa cũ nhằm giới thiệu đến bạn đọc những giai điệu độc đáo bị lãng quên của thời đại.

Có cảm giác, điều gây nhung nhớ nhất cho chúng ta trong những ngày cách ly xã hội là quán cà phê. Không phân biệt lớn nhỏ, những quán cà phê cứ im lìm góc phố, bàn ghế bên trong ngổn ngang không hàng lối đòi đình công, còn người chủ thì thở dài nhìn vào mảnh giấy nhỏ bên ngoài ghi “Có bán mang về”. Những khách hàng thân quen thì bí bức vì mất không gian quen thuộc để trò truyện, làm việc.

Không ít người thử ‘bắt chước” lại tinh thần của quán cà phê, tự mua máy pha cà phê hay phin để pha tại nhà, nhưng sự thiếu sót là quá nhiều để khỏa lấp từ khung cảnh, tầm nhìn, mùi vị cho đến con người. Điều thú vị là, trước khi nghĩ tới những thứ thiếu sót trên, điều đầu tiên mà đa số người nghĩ không thể thiếu khi đi kèm cà phê, đó là âm nhạc. Như một điều hiển nhiên, thật khó để tìm ra một quán cà phê không mở dù chỉ một chút âm nhạc nào trong thời đại nhạc số này. Tùy phong cách của quán mà nhạc Rock, Jazz cho đến Lo-fi được mở nhiều tới nổi trở thành bản soundtrack của đồ uống. Vậy nhưng, giống mọi sự liên kết khác, mối quan hệ giữa cà phê và âm nhạc đều có xuất phát điểm và lí do, từ lâu tới mức không ai còn nhớ nữa. Thậm chí, ngay cả trong cách thưởng thức, âm nhạc và cà phê cũng có sự trùng hợp không nhẹ.

Cà phê đã gặp âm nhạc như thế nào?

Khởi nguồn của sự liên kết này tới từ thế kỉ 18, vua Leopold đệ nhất người La Mã sau khi chiến thắng đế chế Ottoman khét tiếng đã cho xây dựng rất nhiều các công trình nghệ thuật, ngoài đền thờ còn có cả không gian quán cà phê ở Vienna (Áo). Hàng quán cà phê được đầu tư về mặt kiến trúc, nghệ thuật trang trí, trở thành không gian đặc biệt, chủ yếu nằm ở vị trí trung tâm và các con đường huyết mạch của thành phố. Theo nhịp sống liên tục sáng tạo của thời kỳ Baroque, không gian quán cà phê cũng định hình phong cách, không chỉ là chốn hội ngộ gặp gỡ mà còn là nơi trải nghiệm lối sống mới, thúc đẩy khát vọng thăng hoa số phận. Phương châm của phần lớn hàng quán cà phê bấy giờ là “Du sollst dein Leben andern” (Bạn phải thay đổi cuộc đời của chính bạn).

Giới trí thức, những cá nhân ưu tú, tầng lớp quý tộc… gặp gỡ và tranh luận trong quán cà phê. Họ đàm luận, đọc báo, tham gia vào các trò chơi trí tuệ và suy nghĩ về những ý tưởng mới. Nơi đây được xem là nguồn gốc của tinh hoa văn hóa trong thế kỉ 18 – 19, đặc biệt là về âm nhạc. Quán cà phê Café Frauenhuber là nơi gặp gỡ thường ngày của những tên tuổi nhạc cổ điển huyền thoại như Mozart, Joseph Haydn, Ludwig van Beethoven cùng những người bạn. Họ chơi bi-a, uống cà phê, ngẫu hứng viết nhạc lên giấy và biểu diễn nhạc ngay tại chỗ. Dần dần nhiều người đến quán cà phê để nghe nhạc nhiều hơn, và âm nhạc trở thành thứ không thể thiếu ở không gian này. Từ cuối thế kỷ 18, loại hình quán cà phê hòa nhạc phát triển tại Vienna, là nơi gặp gỡ, sáng tạo và chia sẻ tác phẩm của những tài danh âm nhạc thế giới. Trải qua nhiều biến động về phong cách lẫn thời thế, cà phê và âm nhạc vẫn luôn là một cặp không thể tách rời cho tới ngày nay.

Thú vui của việc...tốn thời gian!

Hình thái phát triển và cách thưởng thức của cà phê và đĩa than giống nhau đến không ngờ. Xuất phát điểm, cà phê là loại đồ uống cầu kì và tốn nhiều thời gian để chế biến. Nếu là người kĩ tính, bạn phải tuyển chọn những hạt cà phê thơm ngon nhất trong vườn, đổ từng chút một vào khay, gồng mình xoay cần gạt để cà phê thật nhuyễn. Sau đó chắt bột vào filter giấy, nhẹ nhàng rót nước sôi theo chiều kim đồng hồ 2 đến 3 đợt, lặng lẽ ngắm nhìn từng giọt cà phê đậm màu tí tách chạm đáy cốc. Trong một thời gian dài, đây là cách duy nhất để pha cà phê.

Với đĩa than, trước đây người nghe phải đi tìm, tuyển chọn từng album một. Buổi sáng này nên nghe album nào? Tiếng đàn guitar nhẹ nhàng để giúp đầu óc thư giãn hay là thrash metal để minh mẫn tỉnh táo? Một khi đã chọn xong soundtrack cho buổi nghe nhạc, ta dùng đầ ngón tay nhấc đĩa ra khỏi vỏ, phủi bụi còn sót trên mặt đĩa, nhấc kim và nhẹ nhàng đặt xuống. Tiếng nổ bụp nhẹ của kim là lời báo hiệu để chúng ta thư thái thưởng thức từng phút giây của đĩa, vì không có nút tua tới lui. Khi mặt A hết, bạn phải tự tay lật mặt B, hoặc nghe lại từ đầu.

Giờ đây, cà phê hiện diện ở khắp mọi nơi. Máy pha cà phê là vật dụng văn phòng nào cũng có, cà phê đóng gói, cà phê lon ở khắp các tiệm tạp hóa. Thậm chí bây giờ chỉ cần ngồi yên một chỗ, rất có thể bạn sẽ bắt gặp quầy bán di động của Highlands và Trung Nguyên đi qua. Hiện đại hơn thì chỉ cần một hai chạm trên điện thoại, cốc cà phê sẽ tới tận nơi của bạn. Quá dễ dàng để có thể nạp một chút caffein vào người mà không cần tốn nhiều công sức hay thời gian. Trong khi đó, âm nhạc từ chiếc đĩa than thu bé lại bằng đĩa CD, rồi file mp3 và giờ gói gọn vào chiếc app trên điện thoại, sẵn sàng đi theo con người tới mọi ngả đường. Âm nhạc trở thành loại hình giải trí nhanh gọn nhất, dịch vụ streaming có thể mở bất cứ bài hát nào ta muốn, bỏ qua nếu không thích. Không còn khái niệm về cái gọi là “bộ sưu tập âm nhạc” nữa.

Cả cà phê và âm nhạc đều trở thành mặt hàng tiêu thụ nhanh. Nhưng thật không may (hoặc là may mắn), những thứ dễ đến thì cũng dễ quên, trải nghiệm dành cho cà phê và âm nhạc kiểu mới một khi đã kết thúc thì không còn đọng lại điều gì trong tâm trí người vừa trải qua nữa. Việc pha cà phê hay nghe nhạc đĩa than thuộc về phạm trù cổ điển và truyền thống, và cho dù thời thế hay công nghệ có đổi thay thế nào thì sẽ luôn có người bảo vệ những giá trị ấy. Tuy rằng đầu ra của hai quá trình đều là đồ uống và âm thanh, nhưng trải nghiệm thưởng thức thì lại khác nhau hoàn toàn. Cảm giác khi làn nước nóng chạm bột cà phê bốc khói nghi ngút cũng từa tựa như chiếc kim chạm vào mặt đĩa bóng loáng, đủ làm người ta háo hức chờ đợi thành quả đang đến. Bản thân trải nghiệm của từng hành trình là sự chiêm nghiệm và trân trọng giây phút được thỏa mãn trong thực tại, chứ không phải chỉ để hướng đến thành quả cuối cùng. Còn khi kết hợp cả hai “nghi thức” này lại, vị cà phê sẽ đậm hơn khi người ta đắm chìm vào trải nghiệm âm nhạc, giai điệu sẽ tinh tế hơn với từng nhấp ngọt đắng.

Sự kết hợp này trở thành khoảnh khắc kì diệu khó nói thành lời không thể có được khi nghe nhạc streaming hay uống cà phê lon. Tuy nhiên, nói gì thì nói, sự tiện lợi là cái giá phải trả cho những trải nghiệm ấy. Nếu bạn không có thời gian, chẳng có gì sai khi bóc một lon cà phê lạnh, nghe nhạc từ máy tính và làm việc cả. Hiểu được tâm lý cần những bài nhạc thật hay và hiếm nhưng không làm bạn mất tập trung, Vọc đã chuẩn bị sẵn một set nhạc chuyên dành cho những cuộc phiêu lưu bên cạnh cốc cà phê dành cho riêng bạn ở đầu bài blog. Đây là tuyển tập những giai điệu lofi nhẹ nhàng mà không dễ gì kiếm được trên internet. Kéo lên, bật tai nghe và thưởng thức nhé.

Những album xuất hiện trong set đĩa than

Giọng ca Jazz huyền thoại của Nhật Bản đã từng kết hợp với tên tuổi lớn như Stan Getz, Herbie Hancock.

Sadao Watanabe từng theo học trường âm nhạc Berkley tại Boston, là cái nôi của các huyền thoại Al Di Meola, Quincy Jones, Bob James, John Mayer,…

Tuyệt phẩm của Tatsuro Yamashita kết hợp với 2 tượng đài âm nhạc Nhật Bản Haruomi Hosono và Shigeru Suzuki.

Flower là ca khúc có vocal sample lại duy nhất 1 từ trong bài hát gốc của Dinah Washington – What a difference a day makes?

Tác giả là nhà sản xuất nhạc cho các tựa game nổi tiếng như Street Fighter và Final Fantasy.

Một tuyệt phẩm của Seba Jun a.k.a Nujabes – ông tổ nhạc Lo-fi kết hợp với Uyama Hiroto.

Phiên bản được chơi tại một đĩa điểm trú ẩn thiên tai ở Nhật Bản nhằm khích lệ người dân nơi đây đứng lên vượt qua đại nạn của Ryuichi Sakamoto.

Nhạc phim anime Blood Blockage Battlefront & Beyond.

Hosono là thành viên sáng lập của bộ ba huyền thoại Yellow Magic Orchestra.

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Giỏ hàng
Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng!
Tiếp tục mua hàng