Lost & Found Grooves: Từ đìa than, cát-xét đến streaming: Ánh hào quang lụi tàn của City Pop

Lost & Found Grooves: Từ đìa than, cát-xét đến streaming: Ánh hào quang lụi tàn của City Pop

Lost & Found Grooves là một series bài viết về góc nhìn âm nhạc mới lạ về những thể loại nhạc xưa cũ nhằm giới thiệu đến bạn đọc những giai điệu độc đáo bị lãng quên của thời đại.

Không thể chối cãi, chúng ta đang sống trong kỉ nguyên mà âm nhạc đến với con người dễ hơn bao giờ hết. Chỉ với một cái chạm đơn giản, bất kì thể loại âm nhạc nào trên thế giới cũng có thể vượt bao cây số ngay lập tức phát chỉ để riêng mình bạn nghe. Nếu thích, bạn có thể ngừng, tua lại hoặc đổi sang bài hát khác bất cứ lúc nào. Đơn giản là bạn kiểm soát tất cả, như một lẽ tự nhiên.

Chỉ với một cái chạm là bạn có thể nghe hết cả set đĩa than nhạc Nhật siêu chất này rồi!

Rõ ràng trên khia cạnh tiêu dùng mà nói, đây là điều rất tốt, nhưng trên khía cạnh âm nhạc thì chưa hẳn đã vậy. Người nghe vì quá dễ dàng tiếp cận với âm nhạc mà vô tình đánh giá thấp, bỏ quên đi sự tinh tế trong từng giai điệu được phát ra. Đây không phải là vấn đề mới, khi có thống kê chỉ ra ràng có đến 24.14% người dùng Spotify có khả năng bấm skip bài hát trong vòng 5 giây đầu tiên. Hay nói cách khác, âm nhạc không còn nhận được sự kiên nhẫn, chú ý như đã từng. Nếu chỉ nghe vì mục đích giải trí thì không nói, nhưng với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật cần sự chiêm nghiệm nghiêm túc thì âm nhạc đang làm đau chính mình khi khuyến khích những nghệ sĩ mới ra nhạc theo kiểu đồ ăn nhanh, miễn là cuốn hút người nghe ở lại qua vài giây đầu tiên, thậm chí chỉ cần 1,2 câu hát đã vào tới điệp khúc, sau đó nhanh chóng bị lãng quên rồi bị thay thế bởi một bài hát có cấu trúc tương tự. Không những bản thân âm nhạc, những người làm nghệ thuật nghiêm túc cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Để nói về sự quý trọng âm nhạc thì Vọc tin là đã có quá nhiều ví dụ, nhưng để trực quan hơn, Vọc muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện lịch sử khởi nguồn cho tất cả. Đầu tiên, hãy tưởng tượng bạn đang sống trong viễn cảnh khủng khiếp như sau:

 

Đã bao giờ bạn tự hỏi, nếu dịch bệnh Covid diễn ra vào năm 1979 thì trải nghiệm âm nhạc hiện giờ sẽ trở nên như thế nào chưa?

Nghe có vẻ không liên quan lắm nhỉ? Vậy mà có đấy.

Vào thời điểm trước năm 1979, việc nghe nhạc được thống trị bởi đĩa than và một phần nhỏ là cassette deck. Đặc điểm chung của hai thể loại này là đều mang đến trải nghiệm nghe nhạc cho người nghe theo tính cộng đồng, tức là mọi người nghe cùng nhau, cùng lúc từ cùng một thiết bị phát âm thanh là chiếc loa tổng. Thanh niên phương Tây hẹn hò nhau phải cùng lắc lư theo nhạc trên chiếc juke box hoặc boom box, ở nhà thì lắng nghe cùng gia đình trên radio phát thanh,… Việc nghe nhạc chỉ cố định ở một số không gian, và không có phương pháp nào đề cao trải nghiệm cá nhân khi nghe nhạc.

Còn ở thời điểm năm 2021 này, đặc biệt là trong bối cảnh đa số người phải ở nhà hạn chế tiếp xúc và cách ly xã hội, thật khó để tưởng tượng một cuộc sống không có những chiếc màn hình phát ra nhạc. Điều đặc biệt là bạn có thể điều chỉnh, chọn âm nhạc của bạn mọi lúc mọi nơi và có thể không làm phiền ai với chiếc tai nghe chỉ bạn và duy nhất bạn nghe được, giới hạn về không gian nghe cũng bị phá vỡ. Hãy thử hình dung xem khi chiếc tai nghe ra đời, nó đã gây ra cơn rung chấn to đến cỡ nào?

Câu trả lời không to như bạn tưởng. Cho dù đã tồn lại từ lâu trước năm 79, tai nghe được cho là một thiết bị dành riêng cho dân chuyên, tức những người làm trong ngành thu âm sản xuất và giới đam mê công nghệ, hoàn toàn không phải là vật dụng phổ thông mà ai cũng phải có. Tuy nhiên bất cứ giai đoạn lịch sử nào cũng có giai thoại “trước khi” và “sau khi” với một nút thắt ở giữa, còn nút thắt năm 1979 có tên là Sony Walkman tới từ đất nước Nhật Bản.

Chiếc Walkman, máy chạy cassette di động do hãng điện tử Sony của Nhật Bản làm thay đổi toàn bộ trải nghiệm âm thanh của loài người theo cách chưa từng có tiền lệ. Sau khi Walkman ra đời, âm nhạc có thể trở nên im lặng với tất cả trừ người nghe chỉ với một chiếc tai nghe riêng biệt, bao bọc họ trong âm thanh phát từ chiếc băng cassette, dễ dàng mang đi mọi nơi. Cố kĩ sư Sony, Yasuo Kuroki từng nói trong di thư “Ai cũng biết chiếc tai nghe có âm thanh như thế nào, nhưng khi Walkman ra đời quả thực là một vụ nổ, không ai có thể tưởng tượng nổi và đùng một phát, bản giao hưởng số 5 của Beethoven chảy qua 2 tai bạn thật liền mạch và rõ ràng.” Chủ tịch của Sony thời điểm đó dù rất thích nhưng không thực sự tin tưởng về khả năng bán của Walkman nên chỉ sản xuất nhỏ lẻ khoảng 300.000 chiếc TPS-L2 (bản mà Peter Quil cầm trong phim Guardian Of The Galaxy) phát hành nội địa Nhật trong im lặng, nhắm tới đối tượng là học sinh để nghe những băng dạy phát âm ngoại ngữ. Chắc chắn trong mơ ông cũng không ngờ rằng, Walkman nhanh chóng trở nên nổi tiếng và trở thành một biểu tượng thời trang quốc tế được ưa chuộng tại Mỹ và các kinh đô nghệ thuật như Paris, London,… Chiếc tai nghe đi kèm như một lời khẳng định cá tính, là tấm biến “miễn làm phiền” tinh tế, và là một chiếc vỏ bọc hoàn hào cho tình yêu âm nhạc.

Khi Steve Jobs được tặng chiếc Walkman trong chuyến công tác tại Nhật, việc đầu tiên ông làm không phải là lắng nghe mà là tháo tung máy ra đến tận từng chiếc răng cưa, bảng mạch ra để xem cấu trúc bên trong. Không rõ Steve Jobs học được điều gì, nhưng năm 2001, chiếc máy nghe nhạc iPod ra đời và là tiền đề cho hình thức nhạc streaming như Apple Music hay Spotify. Không quá lời khi nói rằng máy Walkman là sự khai sinh cho trải nghiệm âm nhạc theo chủ nghĩa cá nhân. Từ ý tưởng lưu trữ bài hát của Walkman, những loại hình mới như ổ cứng di động, floppy disk, CD rồi bây giờ là streaming.  Nó chính là cảm hứng khởi nguồn để các thế hệ sau đó liên tục tìm kiếm, kiến tạo và tổng hợp tất cả vào một cái chạm duy nhất làm mọi thứ hiện đại như bây giờ, và nó đáng được trân trọng nhiều hơn.

Nếu đại dịch xảy ra trong năm 79 ấy, ai biết chuyện gì sẽ xảy ra với dòng máy cassette vô danh chưa ai biết đến này? Liệu công nghệ có còn phát triển được đến mức như hiện tại? Chiếc tai nghe có còn là vật dụng mà ai cũng phải có hay không? Hay đơn giản hơn là âm nhạc còn đến với chúng ta dễ dàng đến vậy nữa không? Không ai biết điều gì đã xảy ra nếu Walkman không thành công, chỉ có một điều chắc chắn là trải nghiệm âm nhạc sẽ không thể dễ dàng như hiện tại, hoặc chí ít là mất thêm một thời gian rất dài nữa mới có thể đạt được quy mô nhạc streaming như bây giờ. Vậy nên khi lắng nghe một bài hát, hãy biết trân trọng bản thân âm nhạc và thán phục sự vĩ đại của quá khứ.

Quay lại sự trân trọng âm nhạc, một trong những lí do khiến âm nhạc bị xem nhẹ chính là sự thưởng thức nửa vời, thiếu nghiêm túc từ phía người nghe. Đằng sau từng bài hát, thể loại nhạc đều có câu chuyện lịch sử kèm theo nó, và từng loại âm nhạc đều là hơi thở của thời đại được sinh ra. Ở đĩa than hay chí ít là cassette, CD, những câu chuyện ấy thường được đưa lên mặt sau của bìa đĩa, hoặc poster, lyrics book đi kèm để người nghe có thể vừa đọc vừa nhận thức sâu hơn về quá trình thực hiện, từng nhạc cụ do ai đảm nhiệm cũng như nội dung, tư tưởng của album. Còn ở những nên tảng streaming, hình ảnh của âm thanh chỉ dừng lại ở mặt trước của bìa đĩa, không thể hiện nội dung gì ngoài cái tên hoặc có chăng là vài dòng miêu tả ngắn gọn về album. Điều này vô hình chung không khuyến khích người nghe đi sâu, tìm hiểu về album mà chỉ thưởng thức dưới góc nhìn là giai điệu, và lẽ rõ ràng thì chỉ những giai điệu bắt tai ngay từ đầu mới có thể giữ chân đa số người nghe. Vì thế mà hiểu được bối cảnh của một bài hát, album là cực kì cần thiết để thưởng thực được trọn vẹn dụng ý nghệ thuật trong các tác phẩm đó.

Không đâu xa, ngay chiếc máy Walkman ở trên cũng là câu chuyện khởi nguồn cho một thể loại âm nhạc đã từng thịnh hành tại Nhật Bản những năm 70-80 là dòng nhạc City-pop.

Máy Walkman đạt doanh số kỉ lục thực chất cũng nhờ một phần vào sự phát triển kinh tế thần kì của Nhật Bản giai đoạn 50-70s. Sony là một trong những đầu tầu đại diện cho sự vươn lên của các tập đoàn sản xuất lớn của Nhật Bản như Panasonic, Philips, Yamaha, Columbia, National,…. Hàng điện tử, xe hơi của Nhật liên tục tạo ra những tiếng vang lớn trên thị trường quốc tế với tính năng tiên tiến, chất lượng tốt và giá thành rẻ hơn Mỹ. Những đơn hàng cứ đến liên tục khiến cho bộ mặt của thành phố Tokyo nói riêng và Nhật Bản nói chung biến đổi từ một đống đổ nát sau thế chiến thứ hai trở thành điểm đến của cả thế giới với những ánh đèn không bao giờ tắt. GDP tăng trưởng liên tục tới mức 2 con số đưa kinh tế Nhật Bản vươn lên đứng thứ 2 thế giới chỉ sau đất nước thả 2 trái bom trừng phạt họ là Mỹ.

Xã hội thay đổi, đời sống tinh thần của người dân Nhật Bản trở nên xa xỉ tới mức điên rồ. Những tụ điểm ăn chơi như quán bar, pub và nhà hàng mọc lên như nấm tại những nơi trước đấy từng là làng nghề. Người ta đồn lại rằng ở thời điểm ấy, muốn bắt được một chiếc taxi ở Shibuya, bạn phải phe phẩy tờ 10.000 yên (khoảng 129 USD ở thời điểm hiện tại) để thu hút ánh nhìn của các tài xế. Mà nếu có lỡ đánh rơi tờ tiền này xuống đất, khả năng cao là giá trị của tờ tiền này không bằng một tấm gạch được chạm trổ trên mặt đường. Muốn uống một ly cafe dát vàng ở Ginza? 500 USD cho một shot. Cuộc sống tiêu xài, ăn chơi và lao động của người Nhật được bao quanh bởi ánh đèn đường, các thiết bị điện tử và âm thanh ở khắp nơi. Nhật Bản đơn giản là cần một bản nhạc soundtrack cho thời đại này, và đó là lí do mà City Pop ra đời. Thể loại phản chiếu sự hạnh phúc và thịnh vượng của đời sống vật chất, tinh thần. Lắng nghe thử Plastic Love của Mariya Takeuchi, ca khúc được coi là bộ mặt của City Pop trên Youtube, có cảm giác rằng tất cả những gì người dân quan tâm lúc này chỉ là vẻ bề ngoài, bề nổi chứ không còn là tinh thần, giá trị cốt lõi khi tái xây dựng Nhật Bản lại sau thế chiến. Những loại nhạc cụ tân tiến nhất như Yamaha DX-7, Roland Juno-60 được nghệ sĩ City Pop sử dụng như một lời khẳng định chắc nịch về sự mới và hoành tráng bậc nhất thế giới. Ví dụ như sự phức tạp trong vocal của bài Bambo Vendor (Masayoshi Takanaka – Jolly Jive năm 1979) là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật làm nhạc và sử dụng máy móc. Đương nhiên, bong bóng thì sớm muộn cũng đến lúc phải nổ, Nhật Bản chưa bao giờ đạt lại được quy mô tăng trưởng như 40 năm trước nữa, còn City Pop cũng dần lụi tàn. Phần còn lại như bạn đã biết, phép màu của thuật toan Youtube khiến cho City Pop hồi sinh lại, từ thể loại được truyền cảm hứng bởi phương Tây nay lại chính là cảm hứng để âm nhạc các nước phương Tây học hỏi theo.

Chiếc Walkman góp phần làm cho âm nhạc, trong đó có cả City Pop trở nên phổ biến hơn với người nghe. Một người am hiểu về bối cảnh lịch sử của Nhật Bản khi nghe giai điệu của City Pop, vượt lên trên cả giai điệu catchy với những tiếng bass căng tràn, họ hiểu đây là biểu tượng đại diện cho thời kì quá đẹp tới nỗi không thể tin được đã từng tồn tại, và là tiếng chuông cảnh cáo cho một viễn cảnh không lành sắp tới (bong bóng nổ). Người ta hay nói City Pop và sự hoài cổ, nhớ nhung, nhưng nhớ về thứ gì thì tùy trải nghiệm của từng người nghe mà lại khác, có thể đó là sự hoài niệm về một kỉ niệm tươi đẹp không có thực, cũng có thể là nhớ nhung thời đại vàng của âm nhạc. Tức là người nghe nhìn ra những ý nghĩa khác nữa bao trùm, đứng cạnh song song với nội dung gốc của bài hát, và đó chính là giá trị mà không phải ai cũng có được. Khi họ đã nhìn ra được giá trị ấy, cảm giác khi lắng nghe một bài hát sẽ thay đổi hoàn toàn, như thể tự bước chân vào ánh đèn hào quang của một thời đã qua.

Trớ trêu ở chỗ, ngay cả khi bạn thưởng thức đúng cách và “lỡ” say đắm những giai điệu City Pop này rồi, thì sự lựa chọn lại không còn nhiều như bạn tưởng nữa. Sự thực là video khởi nguồn cho tất cả, Plastic Love có thể trở thành hiện tượng toàn cầu trên Youtube là sự may mắn thần kì với xác xuất cực kì thấp, đặc biệt với những người ở xa nơi upload video là Mỹ. Trong thời đại Youtube là nguồn tham khảo lớn nhất của City Pop, mặc dù đã có rất nhiều album được tải lên, người nghe như chúng ta không có cách nào để khám phá ngoài việc phải trông chờ những thuật toán, bằng một cách thần kì gợi ý đúng video ta đang tìm. Nếu trong đầu đã định sẵn tên cụ thể của album, việc tìm kiếm sẽ không thành vấn đề, nhưng thực tế với một người mới muốn tìm hiểu thì quả là điều không dễ dàng. Thuật toán của Youtube và thậm chí cả Spotify căn vào rất nhiều yếu tố như vị trí địa lý, tuổi tác, người đăng tải, ảnh đại diện hay lịch sử tìm kiếm để đề xuất ra những video, bài hát mới cho người dùng. Với mật độ video upload lên ngày càng dày đặc, có thể nói nằng những video Youtube mà ta bắt gặp chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm rất sâu, chờ được phá.

Vì thế, với mong muốn giúp bạn có thể khai phá những tầng sâu hơn của âm nhạc, Vọc Records mang đến series set đĩa than Lost and Found Grooves đem những giai điệu độc lạ khó có thể tìm được. Mong rằng đây là cơ hội để bạn với tư cách là một người nghe chủ động có thể tìm thấy được một phần tảng băng đang bị chìm này. 

Người ta bảo học đi đôi với hành. Vừa hay bạn đã khám phá (một cách tóm tắt) câu chuyện độc đáo về hoàn cảnh ra đời của City Pop tại Nhật Bản, sao không thử áp dụng cách lắng nghe này với set đĩa than Nhật Bản 60-60s Japanese Jazz & Fusion này! Đảm bảo bạn sẽ có cái nhìn khác kể cả với những bài hát tưởng như đã rất quen thuộc. Mà nếu tìm được bài lạ thì càng tốt, giờ bạn đã có thêm một bài hát độc trong playlist rồi đấy!

Các album có trong set đĩa than này

Pacific Breeze vol.1 là tuyển tập những ca khúc City Pop thịnh hành nhất của Nhật Bản thập niên 1976-1986 thuộc thể loại AOR, Boogie. Những bài hát trong album không chỉ được kiểm chứng trong quá khứ mà còn được chọn lọc mà còn xuất hiện trên Youtube với rất nhiều lượt xem. Trong số đó có thể kể tới những cây đại thụ của làng nhạc Nhật như Taeko Ohnuki, Haruomi Hosono, Shigeru Suzuki hay Masayoshi Takanaka.

POPTRACKS ra mắt năm 1987, la tổng hợp cover một số track nổi bật được thể hiện qua giọng ca của EPO. Bài hát dùng trong set là Itsuka (Someday) được sáng tác bởi ông hoàng nhạc City Pop Tatsuro Yamashita còn lời bởi Yoshida Minako, chính là người thể hiện ca khúc Midnight Driver ở đầu video. Có thể thấy các nghệ sĩ nổi tiếng ở thời kì này rất hay giao lưu với nhau.

Tokyo Special ra mắt năm 1977 là bước tiến tiếp theo của Kimiko Kasai sau sự hợp tác thành công với Haruomi Hosono trong album Umbrella (1972). Ca khúc Vibration được viết bởi Tatsuro Yamashita và được Kimiko trình bày với phong cách không thể lẫn vào đâu được. Bản thân Tatsuro Yamashita cũng ra mắt phiên bản của riêng ông với tên là Love Celebration trong album Go Ahead!.

Finger Dancing là một EP ra mắt năm 1980, khi Masayoshi Takanaka đã chuyển hẳn sang thể loại Rock Fusion. EP gồm 4 bài hát là Space Wagon, Plastic Tears, Finger Dancin, Heart Ache, và bài nào thì cũng rất bốc

Album tổng hợp của Terumasa Hino. Ông là nghệ sĩ Jazz Nhật Bản đầu tiên kí hợp đồng với Blue Note Record lừng danh. Dù được công nhận là một trong những cây trumpet vĩ đại nhất lịch sử Jazz Nhật Bản, Terumasa vẫn khiêm tốn cho rằng mình chỉ may mắn được ông trời trao cho năng lực chơi kèn, và chuyển những giai điệu yêu thương đến với khán giả.

Năm 2015, DJ Yoshikawa Dynamite cho ra mắt cuốn hướng dẫn khám phá những giai điệu và bản thu hiếm bị thất lạc tại Nhật Bản có giá trị sưu tầm cực lớn, đặt tên là Wamono A-Z. Cuốn sách ngay lập tức cháy hàng, còn series album Wamono A-Z được xuất bản trên đĩa than như một lời khẳng định sự trường tồn của những bài hát này, chủ yếu tổng hợp trong giai đoạn từ 1960-1980.

Phần đầu của series có tên là WAMONO A to Z Vol. I – Japanese Jazz Funk & Rare Groove 1968-1980.

 

Tiếp nối vol.1, WAMONO A to Z Vol. II – Japanese Funk 1970-1977 tập trung vào âm nhạc trong khoảng thập niên 70 với những giai điệu funk, jazz fusion đậm chất người Nhật.

Ca khúc được sử dụng trong set là Devil Woman của Bread & Butter, là ban nhạc 2 người gồm Fuyumi và Satsuya Iwasawa. Nhanh chóng nổi tiếng nhờ các tác phẩm trong khoảng năm 60-70, Bread & Butter thậm chí còn được Stevie Wonder quý mến và tặng cho một bài hát. Nhưng trước khi họ có cơ hội thu âm thì Stevie quyết định lấy lại để làm nhạc soundtrack cho phim Woman in Red, bài hát có tên là I Just Call To Say I Love You.

Hiromasa Suzuki là nhà soạn nhạc/ sáng tác/ chơi keyboard chuyên sản xuất nhạc jazz và nhạc phim Nhật Bản. Trong thập niên 60-70, ông cùng Terumasa Hino, Akira ishikawa và Jiro Inagaki được coi là sự hợp tác hoàn hảo của thời đại. Album High-Flying được ghi âm năm 1976, thể hiện rõ sự phá cách đi trước thời đại của ông.

Pacific Breeze vol.2 là phần tiếp nối series tổng hợp City Pop của label Light In The Attic ra mắt năm 2020. Ca khúc được dùng trong set là Last Summer Whisper của Anri, một trong những hiện tượng City Pop trên Youtube sau trào lưu Plastic Love. Last Summer Whisper được lấy từ album năm 1982 của cô Heaven Beach, trong đó nhiều ca khúc được sáng tác bởi Toshiki Kadomatsu và Bread & Butter.

Giọng ca kinh điển của Jazz Nhật – Kimiko Kasai với album được đầu tư vô cùng chất lượng cả về vocal lẫn nhạc cụ. Giọng hát của Kimiko mang vẻ kiêu sa và xa xỉ, điều làm cô tách biệt khỏi những vocal nữ khác của Nhật. Có những người dễ dãi đánh đồng nhạc Kimiko thuộc Pop, nhưng theo mình thì còn hơn thế. Lắng nghe nhạc của cô, thấy hay là chuyện bình thường, nhưng thấy thấm mới là điều phải chú ý mới có được. Giọng Kimiko kết hợp với dàn nhạc chơi cùng một cách nhuần nhuyễn, tách rời từng cái đều hay nhưng không dẫm chân hay cướp mất spotlight của nhau. Nhắm mắt lại thưởng thức, Vọc cảm thấy như đang ngồi trong một thính phòng sang trọng, với mọi thứ bóng loáng phản chiếu của ánh sáng rọi vào chiếc mic mà ca sĩ đang hát.

Fill Up The Night là album ra mắt năm 1983 do hãng Elektra thu âm. Bộ sậu thu album bao gồm Sadao Watanabe, Ralph MacDonald, Richard Tee, Marcus Miller, Steve Gadd, Eric Gale, Paul Griffin, Jorge Dalto, Grady Tate.

Cái tên không còn lạ lẫm gì với những người hay tìm kiếm âm nhạc độc lạ trên Youtube – Casiopeia. Band nhạc theo phong cách fusion jazz Nhật này gồm 4 người, đã hoạt động từ 1976 tới tận bây giờ. Album Platinum là tổng hợp các ca khúc thịnh hành của ban nhạc thời diểm đó.

Hẹn gặp lại!

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Giỏ hàng
Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng!
Tiếp tục mua hàng