Rốt cuộc City Pop là gì (Pt.2)

Rốt cuộc City Pop là gì (Pt.2)

Cho dù nghe hết 7749 bài City Pop trên Youtube, đọc hết cả trang Wikipedia về thể loại nhạc, thật khó mà tóm gọn và định nghĩa chính xác được những giai điệu có chung tên gọi này. Nếu đã đọc phần 1 của bài viết và muốn tìm hiểu sâu hơn về thể loại nhạc cũ mà mới này, thì đây chính là bài viết dành cho bạn.

Để hiểu được City Pop một cách vẹn toàn nhất, có 3 yếu tố không thể bỏ qua là bối cảnh ra đời, mục đích và định nghĩa. Nghe cứ như thể là phân tích tác phẩm văn học cấp 3, nhưng mình hứa là nội dung cực hay luôn, cho nên ráng đọc đến cuối nhé.

Sau thế chiến thứ 2, Nhật Bản là một đống đổ nát khi vừa chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc thua trận, vừa gánh chịu những đòn trừng phạt không nhẹ của các nước đối lập. Nhận ra nguy cơ về việc bị tụt hậu, chính phủ Nhật đã thực hiện một loạt cải cách chính trị và kinh tế chưa từng có. Có rất nhiều giai thoại nói con người Nhật Bản trong thời gian này, chẳng hạn như thay đổi trong phương pháp dạy học, khuyến khích tập trẻ em tập thể dục buổi sáng, hình ảnh người công nhân miệt mài tăng ca,… Kết quả là chỉ trong vòng gần 20 năm từ 1955 – 1973, Nhật Bản từ sự nghèo khó vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau đất nước đã thả 2 trái bom trừng phạt họ là Mỹ. Giai đoạn đầu thập niên 70 có thể nói là đỉnh cao của sự hồi phục và phát triển kinh tế thần kì của Nhật Bản, khi chỉ số GDP liên tiếp tăng trưởng lên đến 2 chữ số (để dễ so sánh thì mức tăng trưởng của Nhật năm 2019 chỉ là 0,7%, và đã được xem là thành công vì cao hơn năm trước). Khỏi phải nói, diện mạo của cả đất nước xứ mặt trời mọc cũng như cuộc sống của người dân thay đổi một cách chóng mặt nhờ sức mạnh của đồng tiền.

Người dân Nhật Bản bị cuốn vào một cơn lốc tiêu dùng cực lớn dưới tên gọi của sự hưởng thụ xa xỉ. Những mặt hàng hào nhoáng như rượu vang nhập khẩu, quần áo sang trọng, du lịch và nghệ thuật trở thành món ăn thường ngày của họ. Nếu như buổi sáng, những công xưởng và văn phòng trang nghiêm và đầy ắp nhân viên chăm chỉ thì buổi tối là cuộc chơi hết mình trong quán bar mờ ảo tràn ngập hương nước hoa, sàn nhảy Disco sôi động và nhà hàng cao cấp kiểu tây. Mặt hàng nghệ thuật như tranh, ảnh và âm nhạc được tiêu thụ liên tục. Ngày nghỉ nghĩa là những chuyến vi vu khắp mọi miền tổ quốc trên chiếc xe hơi đắt tiền, thậm chí là du lịch nước ngoài. Đúng là làm đã căng, chơi còn căng thẳng hơn nhiều lần!

Nhật Bản thực sự cần một bài soundtrack cho lối sống hưởng thụ chưa từng có này, và City Pop được ra đời.  

Phải nói rằng định nghĩa một thể loại chưa bao giờ là dễ, kể cả những thể loại nền móng của âm nhạc như Rock, Jazz,… Thế nhưng, City Pop còn có cách nhìn nhận khác nhau qua từng giai đoạn, và có sự bao trùm cực kì lớn nhiều thể loại khác của người Nhật. Giải thích dễ gặp nhất của City Pop là “Âm nhạc của những người ở thành thị làm cho những người sống ở thành thị”(theo Yutaka Kimura – phóng viên có tiếng tại Nhật).

Nếu xét sự phát triển của City Pop theo dòng lịch sử, thì đầu tiên chắc phải kể đến… tàu Titanic (đúng, chính là con tàu bị chìm trên phim ấy). Tàu này chìm cùng Jack xong thì có một người Nhật duy nhất sống sót là Masabumi Hosono. Ông này thì không liên quan gì đến âm nhạc, nhưng cháu trai của ông Haruomi Hosono thì lại là ngôi sao cực lớn của nên âm nhạc Nhật Bản. Lớn lên khi đất nước trải qua giai đoạn khó khăn và là thế hệ có sự giao lưu văn hóa lớn với âm nhạc Mỹ, Haruomi thành lập ban nhạc Happy End, mang âm nhạc của Mỹ và Nhật Bản đến gần nhau hơn bao giờ hết khi cho ra mắt album cùng tên vào năm 70. Điều đặc biệt là album được hát toàn bộ bằng tiếng Nhật, trước đó các album thể loại rock hầu hết là tiếng Anh. Chủ đề của album nói về cuộc sống ở thành thị, tạo ra một nhân dạng mới cho nhạc Pop hiện đại của Nhật thời bấy giờ về một bức tranh toàn cảnh về Tokyo và trở thành nên nền tảng cho thứ City Pop sơ khai nhất. Lí tưởng của dòng nhạc này, đó là diễn giải lại âm nhạc của Mỹ theo cách mà người Nhật khám phá, thẩm thấu.

Kể từ đây, City Pop phát triển theo nhiều hướng khác nhau. Cứ là âm nhạc mới, lạ thì được coi là thuộc City Pop, chứ không yêu cầu phải dùng nhạc cụ, tiết tấu gì. Những thể loại ngoại lai có thêm yếu tố Nhật Bản như Bosa Nova, Jazz Fusion hay thậm chí Raggae cũng được gọi là City Pop chứ không giới hạn các giai điệu funky, disco sôi động. Nếu chia theo mục đích thì chủ yếu gồm:

CITY POP ROCK

Những nghệ sĩ cũng như nhà sản xuất nổi tiếng nhất bắt đầu đạt được sự chú ý của công chúng nhiều hơn như Tatsuro Yamashita, Toshiki Kadomatsu với các sáng tác nhạc phức tạp, sử dụng yếu tố Jazz và Rock mà họ học theo trường phái soft-rock tại Mỹ (điển hình là Steely Dan và The Dobbie Brothers). Kinh tế phát triển giúp những nghệ sĩ này dễ dàng được các phòng thu tài trợ các công nghệ thu âm tân tiến nhất, để rồi họ tạo ra thứ âm thanh hiện đại, bắt tai và thậm chí đi trước thời đại. Đặc biệt phải kể đến những album như Pacific (Tatsuro Yamashita), A Long Vacation (Eiichi Ohtaki) là các album chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những nhà sản xuất nổi tiếng nhất lúc đó như Brian Wilson và Phil Spector. Cũng không thể không nhắc đến Masayoshi Takanaka, tay guitar đã góp công lớn khai sáng cho thể loại Fusion Rock, làm đa dạng dòng nhạc City Pop hơn.

Album T-Wave của Masayoshi Takanaka

 

CITY POP VỀ LỐI SỐNG VỀ ĐÊM

Phụ nữ Nhật Bản thay vì phải lấy chồng sớm và ổn định gia đình theo truyền thống, nay cởi mở hơn với nghệ thuật và âm nhạc. Chủ đề về thứ tình yêu thụ động, ngây thơ thường thấy ở âm nhạc truyền thống đã được thay thế bởi tiếng lòng và cảm xúc thật của những nữ ca sĩ như Junko Ohashi hay Mariya Takeuchi. Bài hát Plastic Love là một ví dụ về thứ tình yêu chớp nhoáng và sự chủ động của người phụ nữ.

Album Tokyo Special của Kimiko Kasai

TECHNO-POP CITY POP

Haruomi Hosono, Ryuichi Sakamoto và Yukihiro Takahashi cùng nhau lập nên ban nhạc độc nhất vô nhị Yellow Magic Orchestra sử dụng những nhạc cụ kì lạ và tối tân nhất từ doanh nghiệp trong nước Yamaha hay Roland tạo ra thứ âm nhạc điện tử chưa từng có. Có ý kiến cho rằng âm thanh của YMO tạo ra đại diện cho đất nước đi lên nhờ các sáng chế máy móc. Thậm chí bài “Technopolis” trong album Solid State Survivor còn lên sóng TV trong quảng cáo về chiếc máy cassette tối tân nhất. Đây vừa là lời tự sự của ban nhạc về phong cách của họ, vừa thể hiện với cả thế giới về sự lớn mạnh của Nhật Bản. Những cái tên khác như Kiyotaka Sugiyama, T-Square và Casiopeia cũng đáng chú ý với kĩ thuật sử dụng synthesizers điêu liệu.

Nhạc phim của series anime nổi tiếng Lupin the Third với những bản remix mang nhiều màu sắc đa dạng

Cho dù là với mục đích gì, thì cảm xúc chung nhất của City Pop đem lại gói gọn trong từ “hoài cổ”. Đó là cảm giác bạn trở về sau một ngày dài mệt mỏi, mở TV lên và bắt gặp một đoạn quảng cáo xưa cũ về một sản phẩm rất tốt nay đã ngừng sản xuất. Đó là kí ức về một thời tươi đẹp đã qua không bao giờ trở lại, về một giai đoạn mà mọi thứ quá đẹp để có thể tin rằng chúng từng tồn tại.

Hiện tại, có nhiều ban nhạc hiện đại tiếp nối tinh thần City Pop, nhất là tại Nhật Bản như Awesome City Club, Suchmos, Lucky Tapes hay Special Favourite Music. Tuy làn sóng mới này có tên gọi hiện đại hơn là Vaporwave, nhưng niềm cảm hứng và tinh thần vẫn là di sản mà các nghệ sĩ gạo cội của City Pop để lại.

Mời bạn thưởng thức set nhạc đĩa than City Pop tuyển chọn của Vọc Records để hiểu rõ hơn về thể loại này nhé!

Share this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Giỏ hàng
Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng!
Tiếp tục mua hàng